Báo cáo Hội thảo “Chuyển đổi và phát triển bền vững Tài chính vi mô Việt Nam”

This post is also available in: English (English)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Trung tâm Tư vấn Nguồn lực TCVM Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (tiền thân là Nhóm Công tác TCVM Việt Nam – VMFWG) đồng tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi và phát triển bền vững Tài chính vi mô tại Việt Nam” ngày 4 tháng 12 năm 2015 tại khách sạn Pullman, Hà Nội. Hội thảo được đồng tài trợ bởi Quỹ Citi, Ngân hàng United Oversea, tổ chức ADA, tổ chức MetLife, Bộ Kinh tế Thụy Sĩ (SECO).

Với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức TCVM an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định 2195).

Gần 3 thập kỷ qua, hoạt động TCVM không ngừng đổi mới, phát triển cả về quy mô, sự đa dạng, đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đất nước, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm xuống 7,6% – 7,8% vào năm 2013 và đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 5,8- 6%, an sinh xã hội được cải thiện, thu nhập hộ gia đình được nâng cao, tạo dựng tài sản, cải thiện sức khỏe, giáo dục, nâng cao vai trò, vị thế của người thu nhập thấp trong gia đình và xã hội mặc dù nguồn vốn cho vay TCVM còn rất hạn chế.

Hội thảo đã cập nhật quy định pháp lý và định hướng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động TCVM tại Việt Nam, đồng thời sơ kết việc thực hiện Quyết định số 2195 giai đoạn 2012 – 2014. Việc thực hiện Đề án này của Thủ tướng Chính phủ đang gần hoàn thành giai đoạn 1 (2011 – 2015) với một số kết quả đạt được nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc tạo hành lang pháp lý, khuyến khích phát triển TCVM, thu hút nguồn vốn cho hoạt động TCVM cùng với kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn vừa qua là tiền đề cơ bản và là cơ sở triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động TCVM. Bên cạnh đó, sự chuyển biến về nhận thức đối với hoạt động TCVM  của các cơ quan quản lý nhà nước, các UBND tỉnh, thành phố, các tổ chức (nhất là các tổ chức chính trị-xã hội) và người dân tạo cơ sở để hoạt động TCVM ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Qua việc đánh giá giai đoạn 2012 – 2014, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các Bộ, Ngành, UBND tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp xây dựng, phát triển hoạt động TCVM theo Quyết định 2195 trong thời gian tới.

Một trong những giải pháp được Thủ tướng Chính phủ đề ra trong Quyết định 2195 là hoàn thiện môi trường pháp lý, chính sách đồng bộ, phù hợp với đặc thù hoạt động TCVM. Theo đó, đại diện Nhóm nghiên cứu đề tài “Chuyển đổi Tổ chức Tài chính vi mô tại Việt Nam: Đánh giá tác động và đề xuất, kiến nghị” trình bày những phân tích và đánh giá dựa trên cơ sở kinh nghiệm của 03 TCTCVM đã chuyển đổi thành công tại Việt Nam và đưa ra đề xuất biện pháp và khuyến nghị với tổ chức TCVM, Cơ quan quản lý Nhà nước, các bên liên quan nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ quá trình chuyển đổi nhằm góp phần tạo thêm hiệu ứng, khuyến khích các TCTCVM chuyển đổi thành tổ chức được cấp phép và sớm có sự chủ động, kế hoạch, giải pháp phù hợp.

Đồng thời, Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển phát triển thị trường TCVM tại Campuchia của ông Ban Lim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng TW Campuchia và kinh nghiệm quốc tế về đầu tư phát triển TCVM qua việc trình bày các mô hình cấp vốn TCVM trên thế giới và vai trò của chính phủ, nhà tài trợ và nhà đầu tư trong việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vốn qua của bà Julie Fawn Earne, Chuyên gia TCVM cao cấp của IFC. Những kinh nghiệm này hoàn toàn có ích cho việc thực hiện giải pháp bố trí nguồn vốn để hỗ trợ hoạt động TCVM của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, Ban/ngành thực hiện.

Một trong những nội dung quan trọng khác của buổi Hội thảo là phần trình bày về Quỹ Tầm Ảnh hưởng của đại diện Ngân hàng United Oversea.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của hơn 150 đại biểu đại diện từ: Chính phủ, Ban Công tác Tài chính vi mô của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, các Bộ ngành, các cơ quan đoàn thể, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các đơn vị đầu tư, các chương trình/tổ chức TCVM.