Đi lên từ chân lấm, tay bùn

Chị Lò Thị Thoa, sinh năm 1978 ở đội 7, Bản Tâu, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Chồng ốm đau liên miên, hai con nhỏ dại, người phụ nữ dân tộc Thái này phải đứng ra gánh vác gia đình…

Cuộc sống khó khăn kéo dài, cho tới năm 2004 bắt đầu có sự thay đổi khi Quỹ phụ nữ phát triển Điện Biên cho chị vay 1 triệu đồng. Số tiền quá nhỏ so với nhiều người, nhưng đối với chị Thoa là một món tiền lớn. Vì thời gian đó hàng xóm đều e ngại khi cho chị vay chỉ vài ngàn đồng. Thêm ít tiền họ hàng cho mượn, chị quyết tâm tạo lập cơ nghiệp để sao cho các con phải đi học đến nơi đến chốn. Có tiền, chị Thoa bắt tay trồng mây nếp và nuôi nhím. Không có kinh nghiệm, chị phải sang xã bên, tìm đến gia đình đang nuôi nhím xin học nghề và được chị em trong Quỹ phụ nữ phát triển đến hướng dẫn trồng mây nếp. Sauk hi trả góp hết nợ, lãi năm đầu, chị còn lại 400.000 đồng, tuy ít nhưng chị rất phấn khởi, tự tin hơn vào công việc của mình. Sau đó, Quỹ phụ nữ lại cho vay tiếp với số tiền lớn hơn, chị nuôi thêm gà, vịt, ngan, trâu, đào ao thả cá… Cứ như vậy, từ 400.000 đồng lãi của món vay đầu tiên năm 2004, đến năm 2009 chị đã để dành được 11 triệu đồng. Khi được hỏi có thấy vất vả khi một mình phải đứng ra cáng đáng mọi công việc trong gia đình, chị chỉ cười: “các con học hành đến nơi đến chốn là tôi mãn nguyện rồi”. Chia sẻ kế hoạch sắp tới với chúng tôi, chị cho biết sẽ nuôi thêm 3 – 5 đôi nhím, 200 con gà, vịt, ngan, chục con lợn, đào thêm 500 m2 ao cá, 3000 m2 mây nếp và 2000 m2 ruộng cấy… Ngoài ra, chị còn tham gia hoạt động trong Quỹ phụ nữ để chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

chm_gia_sc

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Bà Nguyễn Thị Chiên, 56 tuổi ở thôn Vé, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương có lẽ ít vất vả hơn chị Thoa, nhưng lại có cái khó của người dân sống trên vùng đồng bằng. Ngay từ năm 1975, bà đã phải đi bán hàng rong, kiếm bữa sáng ăn bữa chiều bởi gia đình quá khó khăn. Năm 2002, bà được Quỹ Tình thương cho vay 1 triệu đồng, cùng với ít vốn gia đình cóp được bà bắt đầu nuôi, trồng theo mô hình VAC. Bà Chiên nói “Lúc lên kế hoạch xong lo lắm, lo không biết lấy nguồn giống từ đâu? Nuôi thế nào? Ai sẽ mua cho mình? Nhưng tôi lại nghĩ, cứ ngồi mà tính thì chẳng làm được gì trong khi một đàn con nhỏ nheo nhóc. Phải làm thôi”.

Cả gia đình xúm lại đào ao thả cá nuôi trong vườn nhà – vốn bị bỏ hoang nhiều năm qua. “Thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm nên năm đầu tiên nuôi cá thu hoạch chẳng được bao nhiêu, coi như mất trắng”, bà Chiên nhớ lại.

Không nản, vợ chồng bà lại lọ mọ đi tìm hiểu, đặt mua con giống, thức ăn, thuốc thú y… ở các đơn vị cung cấp uy tín hơn. Ông bà chia nhau tham gia đều các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư do xã tổ chức để nâng cao kiến thức trong chăn nuôi. Họ cũng thường xuyên trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi trồng với các hộ chăn nuôi trong vùng… Dần dần, kinh tế gia đình cũng khá hơn trước, bà Chiên được Quỹ Tình thương cho vay nhiều hơn, có món đến 5 triệu đồng. Cùng với các khoản tiền được vay mới, số lượng vật nuôi, cây trồng của gia đình năm sau cao gấp rưỡi năm trước. Đặc biệt, để mở rộng quy mô chăn nuôi, gia đình bà đã xây thêm 100 m2 nhà tạm để nuôi lợn nái, đào thêm ao thả cá giống. Việc mở rộng mô hình VAC không chỉ giúp kinh tế gia đình khá hơn mà bà Chiên còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động trong xóm. Đến năm 2009, bà Chiên đã để dành được 60 triệu đồng. Bà Chiên cho biết, gia đình đang có kế hoạch xây thêm 150 m2 chuồng trạ nuôi lợn siêu nạc, tăng thêm các loại giống gia cẩm, đào thêm 2 ao thả cá. Và bà muốn mua hai máy nghiền thức ăn và máy thái rau bèo để giảm chi phí nhân công và đáp ứng việc mở rộng chăn nuôi…

Đây chỉ là hai trong số hàng triệu gia đình được vay vốn, và thoát nghèo nhờ chương trình tài chính vi mô. Những món vay tuy nhỏ nhưng là cơ sở ban đầu, cộng thêm những hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm từ chính những người đi trước… đã giúp nhiều gia đình có thể thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Theo Thời báo Ngân hàng