Tổ chức tài chính vi mô hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký lại với ngân hàng nhà nước để chuyển đổi thành đơn vị pháp nhân.
Bà Nguyễn Thanh Hợp, Phó Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng và các Tổ chức Tính dụng Phi Ngân hàng, đã cho biết như vậy trong hội thảo quốc tế về tài chính vi mô tổ chức sáng nay (6/6) tạiTp HCM.
Các tổ chức tài chính qui mô nhỏ là những quỹ tín dụng nhân dân, các hội hỗ trợ tín dụng…với đối tượng phục vụ chính là người nghèo. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng được xem là tổ chức tài chính vi mô và cùng với những tổ chức tài chính vi mô khác trong thời gian 24 tháng phải làm thủ tục xin phép hoạt động tại Việt Nam.

“Đây là quyết định mới của chính phủ nhằm công nhận tính pháp lý hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô trong nước và quốc tế như các pháp nhân khác tại Việt Nam “, bà Hợp nhấn mạnh.
Hồi đầu tháng 3 năm nay, chính phủ đã ra nghị định 28 về thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính qui mô nhỏ. Đây là điểm mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của nền tài chính Việt Nam. Bên cạnh các tổ chức tài chính qui mô lớn như ngân hàng, tổ chức tín dụng… từ nhiều năm nay các tổ chức tài chính vi mô vẫn tồn tại và đóng góp đáng kể cho sự phát triển của quốc gia, nhất là chiến lược chống đói nghèo.
ActionAid, một tổ chức vi mô của Vương Quốc Anh, hoạt động ở Việt Nam từ đầu những năm 1990, là đơn vị tiên phong gây dựng chương trình tiết kiệm cho đồng bào các dân tộc miền núi và ven biển. Gần 27.000 người đã tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức NGO này trong vòng 10 năm từ 1993-2003. Hoặc quỹ CEP, một tổ chức tài chính vi mô trong nước sử dụng các nguồn vốn ODA nước ngoài, đã cung cấp cho gần 56.000 thành viên với dư nợ đến hết 2004 trên 105 tỷ đồng.
Ông Brett E. Coleman, chuyên gia Tài chính Vi mô của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đánh giá cao về việc ban hành các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến tổ chức tài chính vi mô, điều mà các nước nghèo làm khá tốt trong đó có Lào và Bangladesh. Theo ông Coleman, khung pháp lý này sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức NGO hoạt động hiệu quả hơn ở Việt Nam, đồng các vấn đề xã hội sẽ được thực hiện tốt hơn.
Phát triển tài chính vi mô cũng là mục tiêu của chính phủ Việt Nam vì giúp nhà nước giảm bớt các gánh nặng xã hội. Cho dù có nguồn tín dụng nhiều đến đâu hay hệ thống cho vay tốt đến mức nào, nhà nước cũng không thể giải quyết các vấn đề tín dụng nhân dân, nền tảng của chính sách xóa đói giảm nghèo. Chính các tổ chức tài chính vi mô là kênh tín dụng hiệu quả cho người nghèo, đồng thời là giải pháp tốt nhất cho chính sách xã hội của nhà nước. Hiện nay ở Việt Nam có cả ngàn tổ chức tài chính vi mô đang hoạt động, trong đó có khoảng 60 là tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Thông tư hướng dẫn nghị định của chính phủ đang được các cơ quan tài chính liên quan soạn thảo. Bà Hợp cho biết các tổ chức tài chính vi mô để được cấp phép phải có vốn pháp lệnh từ 500 triệu đến 5 tỷ đồng tùy theo tính chất hoạt động. Thuế hoặc miễn thuế và phạm vi hoạt động (kinh doanh hoặc không kinh doanh) của tổ chức tài chính vi mô cũng sẽ được đề cập cụ thể trong thông tư hướng dẫn.
Theo VietNamNet