[Thông cáo báo chí] Hội thảo TCVM lần thứ V – Chuyển đổi tổ chức TCVM tại Việt Nam: Chặng đường đã qua và kế hoạch tương lai

Với sự hỗ trợ của tổ chức ADA, tổ chức Cordaid, và sự hợp tác của Học viện Ngân hàng, Tổ chức TCVM TNHH Tình thương (TYM), Công ty tài chính Quốc tế (IFC), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam (Vinasme),Trung tâm Tư vấn Nguồn lực Tài chính vi mô Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (tiền thân là Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam – VMFWG) tổ chức Hội thảo Tài chính vi mô lần thứ V với chủ đề “Chuyển đổi Tổ chức Tài chính vi mô tại Việt Nam – Chặng đường đã qua và Kế hoạch Tương lai” diễn ra từ 13:00 đến 16:40 ngày 12/12/2013 tại Hà Nội.

_MG_0863

Tài chính vi mô (TCVM) là một phần của hệ thống tài chính quốc gia, đã và đangđóng góp không nhỏ cho công cuộc xoá đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hộicủa đất nước. Phát triển các tổ chức TCVM Việt Nam theo hướng bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế, có trách nhiệm xã hội là mục tiêu của các tổ chức TCVM nói riêng, của các cơ quan quản lý và các tổ chức hỗ trợ quốc tế nói chung.

Với chủ đề “Chuyển đổi Tổ chức TCVM tại Việt Nam-Chặng đường đã qua và Kế hoạch tương lại”, Hội thảo cập nhật diễn biến và xu hướng mới nhất trong ngành TCVM Việt Nam, đúc kết những bài học kinh nghiệm và thành công của các tổ chức TCVM đã chuyển đổi.Tại Hội thảo, các đại biểuđã được chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, cũng như những khó khăn và thách thức của TYM khi trở thành tổ chức TCVM đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Tiếp theo là phần trình bày về con đường chuyển đổi của tổ chức TCVM chính thức thứ hai tại Việt Nam – Tổ chức TCVM TNHH M7 – quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kết quả sau chuyển đổi cùng với những bài học kinh nghiệm. Đến với Hội thảo, Ông Ricardo Garcia Tafur – Chuyên gia  TCVM của IFC đã đưa ra một cái nhìn tổng quát về Tài chính vi mô toàn cầu và kinh nghiệm chuyển đổi  ở Châu Mỹ La tinh.

_MG_0849

Tài chính vi mô bền vững đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế cũng như công cuộc xóa đói giảm nghèo của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Chia sẻ tại Hội thảo, Bà Lê Thanh Tâm đã có bài phân tích và đánh giá về tính bền vững của Tổ chức TCVM Việt Nam, cùng các khuyến nghị với các bên liên quan để phát triển ngành TCVM bền vững tại Việt Nam.

Thông tin dành cho báo chí, vui lòng liên hệ:

Bà Nguyễn Thị Anh Phương
Cán bộ dự án
Trung tâm tư vấn nguồn lực TCVM Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (Nhóm công tác TCVM Việt Nam)
Điện thoại: 0977 446 810
Email: phuongnta@microfinance.vn

IFC – thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân. IFC giúp các nước đang phát triển tăng trưởng bền vững thông qua đầu tư tài chính, huy động vốn từ các thị trường tài chính quốc tế, và cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp và chính phủ. Hiện nay, IFC đang triển khai một dự án phát triển ngành tài chính vi mô nhằm mục tiêu cải thiện năng lực, tính minh bạch và chuẩn mực báo cáo trong ngành, đồng thời hỗ trợ xây dựng thể chế của các tổ chức tài chính vi mô nhằm tăng cường tiếp cận tài chính theo hướng bền vững và có trách nhiệm.

TYM là một trong những tổ chức tài chính vi mô hàng đầu ở Việt Nam. Với sứ mệnh cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ nghèo thông qua hỗ trợ tín dụng và tiết kiệm, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ, TYM phấn đấu trở thành một mô hình tài chính vi mô tốt nhất, cung ứng dịch vụ tài chính vi mô hàng đầu cho những hộ gia đình có thu nhập ở mức nghèo và cận nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Thành lập từ năm 1992, sau hai mươi năm hoạt động, TYM đã được trao giấy phép thành lập và hoạt động bởi Ngân hàng Nhà nước, trở thành tổ chức tài chính vi mô chính thức đầu tiên tại Việt Nam

VMFWG là một mạng lưới của các nhà thực hành tài chính vi mô nhằm chia sẻ kinh nghiệm và giải quyết các vấn đề khó khăn của ngành, góp phần đưa tiếng nói của ngành đến các nhà hoạch định chính sách. Nhóm VMFWG ra đời với mục tiêu góp phần xây dựng một ngành tài chính vi mô lớn mạnh, năng động, chuyên nghiệp, bền vững và hiệu quả, với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người nghèo và người có thu nhập thấp tại Việt Nam. Thành lập từ năm 2004, Nhóm hiện chính thức trở thành Trung tâm Tư vấn Nguồn lực Tài chính vi mô Doanh nghiệp vừa và nhỏ thực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam.

VINASME là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, được thành lập nhằm mục đích hợp tác, liên kết, hỗ trợ, và giúp đỡ lẫn nhau để phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh vì sự phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên; giữ vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với Nhà nước để đóng góp ý kiến với các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan đến hoạt động của Hiệp hội; phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

HỌC VIỆN NGÂN HÀNG là trường đại học công lập thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Giáo dục & Đào tạo, có trụ sở chính tại  Hà Nội, các Phân viện tại Bắc Ninh và Phú Yên. Học viện Ngân hàng, tiền thân là Trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng, được thành lập từ năm 1961, có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên ngành tài chính ngân hàng. Hiện nay, Học viện ngân hàng đã mở rộng đào tạo 5 ngành học: Tài chính ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin kinh tế và Tiếng Anh với đội ngũ hơn 500 giảng viên có trình độ cao trong lĩnh vực chuyên ngành, thu hút tới 20.000 người học hàng năm ở tất cả các bậc học từ trung học, đại học và sau đại học. Học viện ngân hàng là một trong các cơ sở đào tạo có uy tín của Việt Nam cung cấp các khóa đào tạo nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Tài chính ngân hàng, kế toán và quản trị kinh doanh.