Thúc đẩy tín dụng xanh vì sự phát triển bền vững

This post is also available in: English (English)

 

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định môi trường sống của con người. Vì vậy, tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và cập nhật các kịch bản đối phó với biến đổi khí hậu được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2012 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo hướng sử dụng hiệu tài nguyên, giảm phát khí thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Một trong những mắt xích quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là hệ thống tài chính ngân hàng. Theo đó, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư, tín dụng xanh, hỗ trợ các khu vực kinh tế thực hiện các dự án tăng trưởng xanh nhằm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Tín dụng chính sách “xanh” giúp “xanh hóa” nền kinh tế Việt Nam

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được Chính phủ thành lập vào năm 2002 nhằm thực hiện tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, mà vì mục tiêu giảm nghèo bền vững và góp phần an sinh xã hội. Đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt hơn 179.000 tỷ đồng (gần 8 tỷ USD), tổng dư nợ đạt hơn 169.000 tỷ đồng (hơn 7 tỷ USD) với hơn 6,9 triệu khách hàng trong đó gần 80% khách hàng hiện đang sinh sống tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và khu vực miền núi. Sau 15 năm hoạt động, NHCSXH đã mở rộng mạng lưới đến tất cả các xã, với 63 chi nhánh tỉnh, 629 phòng giao dịch huyện, gần 11.000 Điểm giao dịch xã và gần 200.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại thôn, xóm, ấp. Chất lượng tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả với tỷ lệ nợ xấu chiếm 0.87%, trong đó tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0.43%. NHCSXH góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo quốc gia từ 20% năm 2004 xuống còn 4.5% vào năm 2015.

NHCSXH xác định mục tiêu tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng phát triển hoạt động của NHCSXH. Tăng trưởng xanh giúp cho NHCSXH thực hiện hiệu quả hơn hoạt động tín dụng chính sách, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư, cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, nền kinh tế “xanh”, góp phần bảo tồn thiên nhiên, môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Với hơn 15 năm gắn bó, chủ lực trong hoạt động tín dụng chính sách, nhận thức sâu sắc, chỉ có phát triển bền vững mới đem lại thu nhập ổn định cho người dân sản xuất kinh doanh và giúp cho NHCSXH giảm thiểu rủi ro hoạt động. Trong thời gian qua, NHCSXH luôn chú trọng cho vay các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường. Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của NHCSXH luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường. Các chương trình, dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiên quyết loại trừ cho vay đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường – xã hội.
Hiện nay, NHCSXH đang thực hiện cho vay với hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm gần 70% trong tổng dư nợ tín dụng của NHCSXH. Đặc biệt, NHCSXH đã tham gia thực hiện nhiều chương trình, dự án liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế tài trợ như: Chương trình Phát triển Ngành lâm nghiệp; Dự án Khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững (KfW6); Dự án cho vay Rừng ngập mặn miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, NHCSXH hiện đang thực hiện cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình cho vay đầu tư trồng rừng sản xuất, chăn nuôi tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 – 2020.

Bảo tồn thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu từ những dự án trồng rừng

Năm 2005, diện tích rừng Việt Nam đã giảm từ 14,3 triệu hecta năm 1943 xuống còn 10,7 triệu hecta. Sau hàng thập kỷ rừng bị tàn phá cả nước có 7 đến 8 triệu hecta đất rừng không được sử dụng, bị thoái hóa và trở thành đồi trọc. Khoảng 25 triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng. Để giải quyết những thách thức đó, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã hỗ trợ NHCSXH triển khai thực hiện dự án phát triển ngành lâm nghiệp nhằm giúp cho các hộ gia đình ở các tỉnh miền Trung Việt Nam vay vốn để trồng rừng nhằm cải thiện sinh kế, góp phần bảo vệ rừng, thiên nhiên.

Đây là dự án cho vay trồng rừng thương mại đầu tiên tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, với 2 trọng tâm chính là: Phát triển trồng rừng sản xuất ở một số tỉnh miền Trung Việt Nam và bảo tồn thiên nhiên. Dự án được triển khai tại 6 tỉnh: Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Sau 12 năm thực hiện, doanh số cho vay đạt hơn 828 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt hơn 376 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt gần 500 tỷ đồng với hơn 50 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Nguồn vốn đến nay đã giúp phủ kín trên 76 nghìn hecta rừng trồng sản xuất.

Hơn 9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của NHCSXH là một trong những kênh tín dụng “xanh”, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng nhằm xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chương trình không nhằm mục tiêu kinh doanh mà giúp các hộ gia đình ở khu vực nông thôn vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn.

Sau 13 năm thực hiện, NHCSXH đã triển khai tới 63/63 tỉnh, thành phố với tổng dư nợ trên 26 nghìn tỷ đồng với hơn 2,6 triệu khách hàng còn dư nợ. Tính từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình đến nay đã có 9.928 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Một số mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả

Gia đình chị Lê Thị Học ở thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam nhờ được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay phát triển Ngành lâm nghiệp của NHCSXH đã trồng được 10ha keo để sản xuất nguyên liệu giấy. Sau 6 năm kể từ khi vay vốn, gia đình chị thu nhập từ 60-70 triệu đồng/ha. Đến năm 2012, giai đình chị trả hết nợ và tiếp tục vay NHCSXH 200 triệu đồng để mở rộng diện tích keo lên 20 ha. Chị tâm sự: “Gia đình tôi không chỉ trả hết nợ mà còn đủ tiền để sắm sang tiện nghi, xây lại ngôi nhà mới khang trang hơn”.

Gia đình chị Lê Thị Học ở thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vay vốn NHCSXH đầu tư trồng rừng keo nguyên liệu giấy

Gia đình anh Đinh Như, ở làng 5, xã Vĩnh Thuận, là một điển hình trong việc sử dụng vốn vay giảm nghèo hiệu quả. Năm 2010, được NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh cho vay 8 triệu đồng, cộng thêm với số tiền dành dụm, vợ chồng anh đã làm được ngôi nhà ở; sau đó tiếp tục vay thêm 40 triệu đồng đầu tư phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Đến nay anh đã trồng được 2 ha keo, gần 1 ha đậu và nuôi 4 con bò cái sinh sản, thu nhập trên 30 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết chi phí; cuộc sống gia đình đã dần ổn định.

Gia đình anh Đinh Như, ở làng 5, xã Vĩnh Thuận, là một điển hình trong việc sử dụng vốn vay giảm nghèo hiệu quả

Định hướng phát triển tín dụng xanh

Với mục tiêu xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh trong tái cơ cấu nền kinh tế, trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ Việt Nam đã đề ra các mục tiêu chiến lược để thúc đẩy một nền kinh tế xanh và bền vững hơn, trong đó nổi bật nhất là Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020. Tín dụng xanh đã và đang chứng minh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu. Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành hoạt động tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng gắn với hiệu quả và ưu tiên đầu tư vốn tín dụng vào các lĩnh vực, dự án hỗ trợ tăng trưởng xanh. Nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh, Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng chỉ rõ, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.

Theo đó, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh công tác rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội như nghiên cứu và phát triển sản phẩm tín dụng xanh, triển khai chương trình tín dụng có chính sách khuyến khích đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có mục tiêu tăng trưởng xanh. Cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng trưởng tín dụng xanh, quan tâm tài trợ các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thực hiện tăng trưởng xanh.

Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, NHCSXH tiếp tục triển khai có hiệu các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các ĐTCS khác, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, hải đảo…; thúc đẩy đầu tư tăng trưởng tín dụng xanh,nông nghiệp sạch, khuyến khích các mô hình vay vốn sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng.

Trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục duy trì thúc đẩy hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước trao đổi kinh nghiệm, huy động nguồn vốn tài trợ nước ngoài thực hiện các dự án tín dụng xanh góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu vì mục tiêu an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.