This post is also available in: English (English)
Các ngân hàng đang thu lợi lớn từ việc cho vay nhỏ. Điều này được chứng minh qua số liệu tăng trưởng tín dụng của những tỉnh đang có tốc độ tăng trưởng tốt. “Bản thân NHNN cũng đang xây dựng những khung pháp lý hỗ trợ và phân bổ nguồn tài trợ cho các tổ chức tài chính siêu nhỏ qua các hình thức linh hoạt nhất”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh nói.
Ồ ạt vốn lẻ
So với thời kỳ siết chặt cho vay tín chấp để tiêu dùng, sàng lọc chặt chẽ đối tượng cho vay cũng như hạn mức vay vì e ngại rủi ro, thì nay, các TCTD đang mở tối đa điều kiện để dễ dàng đưa vốn đến những đối tượng nhỏ và siêu nhỏ. Đây có thể trở thành điểm đột phá mới, giúp cả ngân hàng và người vay gặp được nhau.
Chẳng hạn, VIB đang thực hiện gói vay ưu đãi có tổng nguồn vốn 2.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp không đổi trong 12 tháng đầu, để giải ngân cho những khoản vay nhỏ và siêu nhỏ. Tranh thủ 3 tháng còn lại của năm 2013, HDBank cũng cho biết ngân hàng sẽ đẩy nhanh tín dụng, đặc biệt những khoản vay siêu nhỏ của DN và cá nhân ở cả loại tiền đồng và ngoại tệ. Tương tự, OceanBank triển khai chương trình “mùa vàng kinh doanh” nhằm bổ sung vốn lưu động cho hộ kinh doanh, DN nhỏ và siêu nhỏ dịp cuối năm với lãi suất công bố là 8,5%/năm trong 3 tháng đầu…
Đặc biệt hơn, trước đây, những đối tượng để ngân hàng xem xét cho vay được chọn lọc kỹ như phải thuộc cán bộ công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, trường học, bệnh viện, các tổ chức xã hội. Nay, đối tượng cho vay tín chấp cũng đã mở rộng, thậm chí còn về tới tận nông thôn.
Cho vay tín chấp siêu nhỏ – hướng đi mới của nhiều TCTD
Theo một số TCTD, vay tín chấp tiêu dùng hiện là khoản vay mà nhiều nông dân ưa thích, mặc dù lãi suất cao hơn so với các khoản vay thông thường khác, nhưng nó có một lợi thế là không cần tài sản đảm bảo. Duy có điều lãi suất cho vay tiêu dùng còn cao, cộng với điều kiện dù đã “nới” nhưng vẫn “chặt” nên một số ngân hàng đã linh hoạt chuyển từ cho vay tiêu dùng tín chấp sang nhiều hình thức khác.
Chẳng hạn, Giám đốc Sacombank chi nhánh An Giang cho biết, ngân hàng này vẫn đang cho vay tiêu dùng khá nhiều, nhưng riêng các TCTD khác trong tỉnh, mục đích cho vay tiêu dùng bằng tín chấp có định hướng khác.
Cụ thể, thay vì cho vay tiêu dùng đơn thuần, ngân hàng khuyến khích chuyển sang đẩy mạnh cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro khi cho vay, đồng thời những người nông dân, hoặc tiểu thương ở chợ cũng vay tiền kinh doanh dễ hơn.
Hay nói như đại diện của Ngân hàng Hợp tác tại tỉnh Long An, ngân hàng này cho vay những khoản vay siêu nhỏ theo kiểu tín chấp, đối tượng là người nông dân, công nhân hoặc những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Chẳng hạn, người nông dân trồng lúa chỉ được vay vốn ít, thời hạn ngắn thì ngân hàng tư vấn cho người dân làm hợp đồng tín dụng vay vốn để sản xuất, chăn nuôi…
“Do đặc thù sản xuất của nông dân còn nhiều rủi ro, bản thân người nông dân ít chịu thay đổi; trách nhiệm của nhà nước; trách nhiệm và vai trò của doanh nghiệp; trách nhiệm và vai trò của nhà khoa học còn hạn chế nhưng làm như vậy để người nông dân có thể vay được nhiều vốn hơn, để có vốn đầu tư con giống, để quay vòng sản xuất, thậm chí canh tác thêm nhiều loại hình kinh doanh hỗ trợ khác”, vị đại diện này nói.
Không lo nợ “chồng” nợ
Theo đại diện một số ngân hàng, việc đẩy mạnh những khoản tín chấp siêu nhỏ trong thời gian gần đây là có cơ sở nhu cầu thực tiễn. Vì qua khảo sát, họ thấy rằng nhu cầu vốn của những người sản xuất hộ gia đình, tiểu thương chợ là rất lớn. Thông thường, những người này gần như không thể đáp ứng được điều kiện để vay vốn và luôn đứng “song song” với dịch vụ của ngân hàng. Nhưng nay, để tăng trưởng tín dụng, ngân hàng tìm mọi cách để giải ngân vốn cho những đối tượng này. Theo đó, ngân hàng sẽ xem xét về nghề nghiệp, mức độ trả nợ như thế nào sau đó giải ngân hỗ trợ vốn cho khách hàng.
Với những đối tượng này, ngân hàng không lo nợ xấu vì họ đã được thẩm định trong một khoảng thời gian nhất định. Về mặt khách quan, những đối tượng này vay mượn bên ngoài với lãi suất rất cao nhưng đều hoàn trả đủ, không có trường hợp “nợ chồng nợ”. Hơn nữa, họ vay vốn với mục đích kinh doanh, sản xuất, nuôi trồng thật sự nên nguồn thu cũng được đảm bảo. Đây được xem là hình thức tín chấp mới mà nhiều ngân hàng đang linh hoạt nghiên cứu chính sách để triển khai.
“Cần thấy rằng người kinh doanh nhỏ, hộ gia đình rất cần tín dụng và có thể vay được với những điều kiện mà tổ chức tài chính siêu nhỏ vẫn sinh lời. Hơn nữa, chúng tôi biết được những khách hàng này không chỉ có nhu cầu vay mà còn mong muốn có được những dịch vụ tiết kiệm và bảo hiểm thuận tiện. Như vậy, bằng cách cung cấp những dịch vụ này, các khoản vay dù siêu nhỏ nhưng có thể tạo ra được những nguồn vốn mới và bền vững cho bà con, đồng thời giảm nhẹ rủi ro của người cho vay”, lãnh đạo Sacombank chia sẻ.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ cho rằng, để kích cầu trong bối cảnh hiện nay có thể gia tăng cho vay tiêu dùng. Các ngân hàng cũng đang còn nhiều dư địa cho vay phân khúc thị trường này vì tỷ lệ “room” cho phép đối với các khoản vay tín dụng ở lĩnh vực không khuyến khích chưa sử dụng hết.
Với NamA Bank, bên cạnh sản phẩm cho vay thế chấp, ngân hàng cũng triển khai cho vay tiêu dùng tín chấp. Nhưng cho vay tín chấp có phần hạn chế và chọn lọc kỹ khách hàng để giảm thiểu tối đa rủi ro nợ khó đòi. Tuy nhiên, ngân hàng cũng đang rất mạnh tay trong việc cho vay những khoản vay nhỏ và siêu nhỏ để phủ kín những mảng trống thị trường vốn đang để “tín dụng đen” chiếm dụng.
Trong các buổi làm việc gần đây tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cũng gợi mở cho ngành Ngân hàng những khoản vay ở thị trường này và khẳng định, tài chính siêu nhỏ có thể được coi là một bàn đạp, chứ không chỉ đơn thuần là khoản vay nhỏ lẻ. Bởi nó tạo ra một cơ sở hạ tầng mà trên đó, người không có tài sản đảm bảo trước đây – bị coi là tách biệt này – có thể được động viên và cung cấp tài chính để tham gia vào các chương trình kinh tế và xã hội.
Các ngân hàng cũng đang thu lợi lớn từ việc cho vay nhỏ. Điều này được chứng minh qua số liệu tăng trưởng tín dụng của những tỉnh đang có tốc độ tăng trưởng tốt. “Bản thân NHNN cũng đang xây dựng những khung pháp lý hỗ trợ và phân bổ nguồn tài trợ cho các tổ chức tài chính siêu nhỏ qua các hình thức linh hoạt nhất”, Phó Thống đốc nói.
(Theo http://thoibaonganhang.vn)