Cân nhắc pháp lý cho tài chính vi mô

Ngày 11/9 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Hội thảo tổng kết thực hiện Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của các chương trình, dự án tài chính vi mô (TCVM) của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức phi chính phủ vừa được NHNN Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và chính quyền các địa phương khu vực phía Nam.
Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay, sau 2 năm triển khai Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ, trên cả nước đã có 8 chương trình, dự án TCVM nộp hồ sơ (tại NHNN Việt Nam) để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động như một tổ chức TCVM chính thức. Có 2 chương trình, dự án đang nộp hồ sơ đề nghị chuyển đổi và 30 chương trình, dự án khác đang trong quá trình chuyển tiếp theo quy định Quyết định 20 để thực hiện chuyển đổi mô hình.
Đối với các tổ chức TCVM đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký theo Quyết định 20 thì hiện nay đa số đều hoạt động ổn định và hiệu quả. Tính đến cuối năm 2018, tổng số vốn được cấp của các chương trình, dự án TCVM đạt khoảng trên 800 tỷ đồng, vốn huy động đạt khoảng 710 tỷ đồng và dư nợ cho vay khoảng 1.500 tỷ đồng.
Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, sau 2 năm triển khai Quyết định 20, hiện nay vẫn còn khá nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý các chương trình, dự án TCVM chưa được giải quyết triệt để.
Theo đó, hiện số lượng các chương trình, dự án TCVM “bán chính thức” (chưa được NHNN cấp giấy chứng nhận đăng ký) rất lớn và đa dạng. Cả nước đang có khoảng 438 chương trình, dự án TCVM thực hiện tại 56 tỉnh, thành (tính đến cuối tháng 5/2018), nhưng mới chỉ có 40 đơn vị nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận đăng ký hoặc đang hoàn tất chuyển tiếp, chuyển đổi mô hình.
Do vậy việc quản lý, thanh tra, giám sát đối với các chương trình, dự án TCVM vẫn còn vướng mắc nhiều quy định pháp luật chồng chéo. Phía NHNN, hiện mới chỉ quản lý chung đối với các tổ chức TCVM đã được cấp giấy chứng nhận, số còn lại vẫn do các bộ, ngành, địa phương quản lý.
Trên cơ sở những vướng mắc, khó khăn khi triển khai Quyết định 20, quan điểm chung của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là nên chia nhóm đối tượng các chương trình, dự án tài chính vi mô để định hướng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nền tảng pháp lý áp dụng cho các đơn vị này.
Theo thời báo ngân hàng

Xem chi tiết tại  http://thoibaonganhang.vn/can-nhac-phap-ly-cho-tai-chinh-vi-mo-92062.html